Kỹ thuật gạch:
Để thực hiện kỹ thuật này, ta dùng một dụng cụ chuyên dụng của Diện Chẩn gọi là que dò huyệt bằng inox có đường kính khoảng 1,5mm, có thể thấy ở một số dụng cụ đa nhiệm như Cây Dò Day, đầu lớn của Cây Giọt Sương, đầu nhỏ của Cây Dò Hai Đầu và ở nhiều dụng cụ Diện Chẩn khác cũng có tích hợp. Trong trường hợp chúng ta không có sẵn dụng cụ chuyên dụng này thì có thể sử dụng đầu chìa khóa trơn nhẵn, đầu giắc cắm tai nghe, đầu gọng kính… thậm chí dùng ngay đầu móng tay của mình cũng thực hiện được và vẫn đạt kết quả tương đối, có điều lưu ý, nếu không dùng dụng cụ chuyên dụng được thiết kế đảm bảo an toàn tối đa thì có thể gây xây xước bề mặt da.
Kỹ thuật gạch trong phương pháp Diện Chẩn Bùi Quốc Châu là một kỹ thuật căn bản thường dùng trong các thủ pháp tác động khác nhau.
Cách thực hiện như sau: Cầm dụng cụ bằng ba ngón tay giống như cầm bút, đặt đầu que dò vuông góc trên bề mặt da và nên có ngón tay út hoặc áp út tỳ lên bề mặt để giữ vững tư thế giúp cho lực tác động được đều. Rồi dùng lực, vừa ấn đầu dụng cụ vừa kéo miết thành từng đường thẳng trên bề mặt da, từ trán xuống má, gò má, sống mũi, hai bên mũi, bờ môi trên, ụ cằm, mang tai.
Phân tích theo tính chất cơ học của kỹ thuật, cùng với nguyên lý phản xạ thần kinh đa hệ trên da, thì thủ pháp gạch này tạo thành những sóng tác động theo dạng đơn tuyến sâu trên bề mặt da và gửi tín hiệu lên não, nó có tác dụng khai thông những tắc nghẽn từ toàn thể đến cục bộ rất hiệu quả. Chúng ta có thể liên hệ, hình dung tác động này tương tự như ta cầm một cây gậy cứng để khơi thông một đoạn rãnh thoát nước, đang bị bùn đất và rác làm cho tắc nghẽn vậy. Ở kỹ thuật này, lực tác động mạnh hay nhẹ, đường gạch ngắn hay dài và tốc độ nhanh hay chậm sẽ cho những tác dụng khác nhau.
Đại giản thuật gạch mặt:
Có hai mức độ tác động:
– Mức độ tác động sâu: Chúng ta cần gạch từng đường dài khoảng 5–7cm với lực tương đối mạnh, theo chiều hướng đi từ trên xuống, không nên gạch theo chiều ngang, đặc biệt là ở vùng trán, vì như vậy sẽ dễ làm tổn thương các mạch máu dưới da, cũng không nên gạch theo chiều từ dưới lên sẽ khiến lực tác động không đủ và thao tác khó khăn, không được trơn tru, nhất là khi tự tác động cho mình. Trừ những vị trí đặc biệt như ở xương cung mày, xương hốc mắt và hai bên sống mũi thì gạch theo đường cong hay chéo của cấu trúc xương. Mức độ tác động sâu này chỉ nên áp dụng trong một số tình huống đặc biệt như cấp cứu ngất xỉu, đột quỵ, huyết áp cao hoặc thấp, chảy máu, thoát dương (mồ hôi lạnh dầm dề, mắt không có thần) hoặc tiêu chảy nặng.
– Mức độ tác động vừa: Cách thực hiện cũng tương tự như trên nhưng giảm lực tác động đi và điều chỉnh sao cho phù hợp với sức chịu đựng của mỗi người, với mức độ này thì mỗi đường gạch thường ngắn hơn, chỉ khoảng 3–4cm. Đây là mức độ thường áp dụng nhất với nhiều tình huống đa dạng.
Trích theo sách: Cẩm Nang Diện Chẩn – Phương pháp đơn giản áp dụng tại gia của nhà xuất bản hồng đức.